Thực trạng, cung – cầu, nhập khẩu than: Thách thức và chính sách phát triển (Phần 1)

Để đảm bảo phát triển bền vững ngành than Việt Nam – một trong những ngành cung ứng nhiên liệu sơ cấp cho nền kinh tế (nhất là than cho điện) góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chúng ta cần phải hoạch định chiến lược và có những cơ chế chính sách phù hợp.

I – THÁCH THỨC

Mục tiêu phát triển bền vững ngành than với sản lượng đạt khoảng 42÷55 triệu tấn than thương phẩm vào giai đoạn đến 2035, trong đó, TKV và TCT Đông Bắc vẫn giữ vai trò chủ đạo sản xuất trên 95% sản lượng than toàn quốc. Cơ hội phát triển có, nhưng thách thức phát triển gặp phải không nhỏ:

Thứ nhất: Tổng tài nguyên – trữ lượng than Việt Nam theo QH403 là 48.878 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng, tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 3.558 triệu tấn (chỉ đạt 7%); tài nguyên dự tính và tài nguyên dự báo 45.499 triệu tấn (chiếm tới 93%).

Tài nguyên trữ lượng ở bể than đồng bằng sông Hồng lên tới 42,01 tỉ tấn, chiếm tỉ trọng lớn 86% tổng tài nguyên trữ lượng, nhưng chỉ ở dạng tiềm năng. Điều kiện địa chất rất phức tạp, chưa có công nghệ khai thác phù hợp, điều kiện khai thác và vấn đề môi trường phải xử lý quá phức tạp, nên trong quy hoạch chỉ đề cập tới các dự án nghiên cứu thử nghiệm công nghệ và trong tương lai gần không thể huy động vào khai thác.

Khu vực huy động chính của quy hoạch là bể than Đông Bắc có tổng tài nguyên – trữ lượng là 6.287 triệu tấn (chiếm 13% tổng trữ lượng – tài nguyên), trong đó 43,3% (2.723/6.287 triệu tấn) là trữ lượng – tài nguyên chắc chắn và tin cậy. Khoảng 2.085 triệu tấn đang nằm phía dưới diện tích quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng, vùng cấm, hạn chế khai thác khoáng sản (QHXD); Khu vực tài nguyên – trữ lượng kém triển vọng khoảng 478 triệu tấn; khu vực vùng trống và trắng chưa thăm dò như Bảo Đài 518 triệu tấn. Như vậy, tài nguyên trữ lượng than của bể than Đông Bắc còn 3.206 triệu tấn, khoảng 51% tổng tài nguyên – trữ lượng của bể than Đông Bắc.

Trữ lượng-tài nguyên bể than Đông Bắc khu vực khai thác than chính

Tổng tài nguyên – trữ lượng huy động vào quy hoạch là 3.100 triệu tấn. Trong đó, trữ lượng là 1.223 triệu tấn chiếm 39,5%; tài nguyên chắc chắn và tin cậy là 308 triệu tấn chiếm 10%; tài nguyên dự tính và dự báo là 1.569 triệu tấn chiếm 40.5% (rủi ro). Trong đó, bể than Đông Bắc huy động 2.173 triệu tấn, bao gồm: trữ lượng 1.201 triệu tấn; tài nguyên chắc chắn, tin cậy 190 triệu tấn và tài nguyên dự tính, dự báo 782 triệu tấn.

Trên cơ sở tài nguyên – trữ lượng tại bể than Đông Bắc, phần trữ lượng đưa vào huy động khai thác. Nếu khai thác bình quân mỗi năm khoảng 45÷50 triệu tấn than thương phẩm thì còn khoảng 40 năm là cạn kiệt. Trữ lượng tài nguyên tin cậy có thể huy động vào khai thác rất hạn chế, độ tin cầy thấp, do đó rất cần đầu tư cho công tác thăm dò nâng cấp trữ lượng tài nguyên than đảm bảo cho phát triển ngành than theo quy hoạch.

Phân giao trữ lượng-tài nguyên của bể than Đông Bắc theo quy hoạch

Thứ hai: Nhu cầu vốn đầu tư lớn cho thăm dò, khai thác, sàng tuyển chế biến và cơ sở hạ tầng, thời gian đầu tư mỏ kéo dài từ 6÷8 năm (tùy theo công suất mỏ lộ thiên hay hầm lò), quá trình đầu tư xây dựng và khai thác có nhiều rủi ro về biến động trữ lượng, sản lượng, chất lượng than, điều kiện mỏ – địa chất khai thác, thời tiết… so với thiết kế và kế hoạch. Điều kiện địa chất mỏ phức tạp, biến động lớn, nhiều phay phá, yêu cầu bảo vệ môi trường chặt chẽ, khai thác ngày càng xuống xuống sâu, gia tăng chi phí. Do đó không thể gia tăng sản lượng đột biến và để đầu tư phát triển bền vững liên quan tới đảm bảo an ninh năng lượng yêu cầu phải có nhu cầu ổn định và cam kết tiêu thụ lâu dài.

Thứ ba: Công nghệ khai thác, chế biến ở mức hạn chế, điều kiện hạ tầng và hậu cần phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nhất là nhập khẩu còn thiếu. Thiếu vốn để đầu tư phát triển mỏ, thiếu công nghệ, kỹ thuật quản lý hiện đại, kể cả khai thác và chế biến. Thiếu vốn đầu tư khai thác than ở nước ngoài để có nguồn than nhập khẩu ổn định, đầu tư hạ tầng và hậu cần (logistics) cho nhập khẩu than. Sử dụng nhiều lao động, nhất là trong các khâu phục vụ phụ trợ, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Khả năng sản xuất than thương phẩm của ngành than từ nay đến năm 2035 tăng không nhiều, đạt khoảng từ 42÷50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than của các hộ ngày càng tăng cao vượt xa khả năng cung cấp của ngành than, đặc biệt là nhiệt điện (52÷128 triệu tấn/năm). Do vậy, việc nhập khẩu than là tất yếu với nhu cầu rất cao 67 triệu tấn (2025); 98 triệu tấn (2030) và 106 triệu tấn (2035). Do đó phải có chiến lược nhập khẩu và phải triển khai quyết liệt ngay để đảm bảo nhập khẩu than với khối lượng lớn trong thời gian dài. Đồng thời, cũng phải nghiên cứu giải pháp, kịch bản nguồn năng lượng thay thế như nhiệt điện khí hoặc khí hóa lỏng trong trường hợp than không nhập khẩu được với khối lượng lớn tới trên 100 triệu tấn.

Nhu cầu nhập khẩu than gồm nhiều chủng loại cho nhiều hộ tiêu thụ khác nhau và phân bố theo từng miền. Than nhập cho điện chủ yếu ở miền Nam và miền Trung, than nhập cho các hộ còn lại chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung và một phần nhỏ ở miền Nam.

Với nhu cầu nhập khẩu than như trên, có thể việc nhập khẩu và vận chuyển than đến các hộ tiêu thụ rất phức tạp, cần có các định hướng, phương án cụ thể để tránh chồng chéo, tối ưu các phương án về logistic (hậu cần) và vận chuyển, đảm bảo hiệu quả.

TS. NGUYỄN TIẾN CHỈNH – HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
  2. Viện Năng lượng, 2016, “Quy hoạch phát triển năng lượng Việt Nam đến 2025, có xét đến 2035″.
Mục nhập này đã được đăng trong$ s. Đánh dấu trang permalink .

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *